Dạy Con Biết Cách Xin Lỗi

Khi bé cư xử không đúng, bên cạnh việc để bé hiểu ra lỗi sai của mình thì cha mẹ cũng cần phải dạy bé nhận lỗi và học cách xin lỗi thật chân thành. Sau đây là những nguyên tắc cha mẹ cần nhớ khi dạy trẻ thực hành thói quen này

Cha mẹ hãy làm tấm gương tốt cho con

Trẻ em thường học hỏi thông qua quá trình quan sát hành vi của người lớn và bắt chước lại. Do đó, để trẻ có thói quen nhận lỗi và xin lỗi khi làm sai việc gì đó. Thì trước tiên, cha mẹ cũng cần trở thành tấm gương tốt cho bé.

Khi cha mẹ phạm lỗi, hãy ngừng việc đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh, mà nhìn nhận sự việc thật khách quan để tỏ thái độ hối lỗi và xin lỗi chân thành. Nếu như đối tượng càn xin lỗi chính là trẻ, thì bạn càng phải thể hiện rõ lời xin lõi và những hành động nhận lỗi, sửa lỗi của mình.

Đưa ra bộ quy tắc, chuẩn mực rõ ràng về các hoạt động trong cuộc sống

Trẻ nhỏ sẽ không thể phân biệt được đúng sai, được ranh giới kỷ luật và được điều nên làm cũng như không nên làm nếu cha mẹ không hướng dẫn cho trẻ thông qua những quy tắc rõ ràng, dễ hiểu. Hãy thiết kế bộ quy tắc ứng xử trong gia đình, và khi trẻ vi phạm quy tắc, cần cho trẻ biết điều con làm là không đúng và để trẻ chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình. Từ đó, mỗi khi làm sai, trẻ sẽ hiểu được nguyên nhân vì sao mình cần phải nhận lỗi, hành động nào của mình là không đúng, và mình cần xin lỗi ai.

Không ép buộc trẻ nhận lỗi và nói lời xin lỗi

Thay vào đó, cha mẹ cần để bé nhận thức được hành vi của mình là không đúng và trải nghiệm hậu quả do hành vi này gây nên. Từ đó, bé mới có thể tự ý thức được hành vi của mình là sai hay đúng, và sẽ tư giác nhận lỗi và nói lời xin lỗi một cách phù hợp

Khen ngợi khi trẻ biết nhận lỗi

Khi con tự giác nhận lỗi, bạn hãy khen ngợi một cách hợp lý hành động này của con, Những lời động viên như “Mẹ rất tự hào về con” hay “Mẹ tin rằng con đã lớn lên rất nhiều khi chịu nhận lỗi như vậy.” Thậm chí, bạn có thể cám ơn con khi con đã biết nhận lỗi và có ý thức tự sửa sai.

Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng cần khen ngợi bé khi bé nhận lỗi. Hãy xác định cụ thể xem liệu bé đã thực sự nhận thấy lỗi lầm của mình chưa, và có thực sự mong muốn sửa sai hay không, hay bé chỉ nói lời xin lỗi như một thói quen để đưa ra lời khen đúng lúc mẹ nhé.

Thảo luận về những giải pháp sửa sai tích cực

Sau khi bé đã nhận ra rằng bản thân mình có lỗi và cần nhận lỗi, bạn hãy cùng bé đưa ra những gợi ý để sửa sai. Bạn có thể hỏi bé xem liệu bé muốn làm gì để bù đắp cho hành động của mình hoặc bé cần làm gì để lỗi sai không tái phạm nữa. Ví dụ, bạn có thể hỏi con rằng “Nếu em trai con lấy đồ chơi của con, thay vì đánh em thì con nên làm thế nào?” và hãy cùng đánh giá cách giải quyết của bé xem đã hợp lý hay chưa, phân tích nếu nó không hợp lý và sau đó thống nhất phương án với bé. Nếu bé còn nhỏ và chưa thể nghĩ ra được cách giải quyết vấn đề, bạn có thể đưa ra 2-3 tùy chọn hợp lý và để bé chọn lựa cách thực hiện mà bé thấy phù hợp nhất với mình.

Khi trẻ đã nhận lỗi và có hành vi tích cực để sửa sai, đừng nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của bé

Khi sự việc đã qua đi, và bạn cũng bé đã giải quyết xong vấn đề một cách trôi chảy, hãy để cho nó trôi qua mà không nhắc lại về lỗi lầm này của bé. Tuyệt đối không thuyết giảng hay nói dài dòng về lý do bé làm sai.

Hãy giúp trẻ có thói quen nhận lỗi và xin lỗi khi làm sai

Để giúp trẻ có thói quen nhận lỗi và xin lỗi khi làm sai, trước tiên chúng ta cần phải thực hiện thường xuyên các bước hành động đã được gọi ý ở phần trên, coi những bước đó trở thành thói quen và một phần của cuộc sống thường ngày. Có như thế thì bé mới có thói quen nhận lỗi và xin lỗi một cách chân thành, tích cực khi làm mắc sai lầm.

Mẹ Ong Bông