Đối với trẻ em, việc ăn các chế phẩm từ sữa mang lại rất nhiều lợi ích về mặt dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng biết cách cho bé ăn các chế phẩm từ sữa thật hợp lý. Moony sẽ giúp mẹ hiểu thêm về các loại thực phẩm vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng này nhé
Các chế phẩm từ sữa là gì?
Các chế phẩm từ sữa là những sản phẩm được chế biến với nguyên liệu từ sữa bò/dê tươi. Tùy vào công nghệ chế biến khác nhau, sẽ cho ra những chế phẩm từ sữa khác nhau.
Các chế phẩm từ sữa phổ biến gồm có: Sữa chua, phô mai, bơ, kem tươi, các món tráng miệng làm từ sữa tươi như creme dessert (váng sữa), kem .
Các chế phẩm từ sữa cung cấp nhiều dưỡng chất cho bé đặc biệt là canxi và protein, giúp bé phát triển chiều cao và cơ thể săn chắc. Khi mẹ sử dụng các chế phẩm từ sữa với lượng vừa phải, kết hợp cùng chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bé tăng cường sức khỏe, phát triển toàn diện.
Chính vì những lợi ích thiết thực của các chế phẩm từ sữa, nên nhiều phụ huynh có xu hướng lạm dụng các sản phẩm này. Nếu mẹ cho bé ăn quá nhiều phô mai, bơ, váng sữa sẽ khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu. Những trẻ ăn các món chế phẩm từ sữa có chứa nhiều đường như sữa chua có đường, kem tươi, kem, váng sữa thì rất dễ bị các bệnh béo phì, tim mạch và tiểu đường.
Các chế phẩm từ sữa phổ biến
Sữa chua
Sữa chua là sản phẩm được sản xuất dựa trên vi khuẩn lên men có lợi của sữa. Sữa chua cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, bảo vệ hệ tiêu hóa và tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng.
Bé có thể ăn được sữa chua làm từ sữa mẹ và sữa công thức từ khi được 6 tháng tuổi, và ăn sữa chua làm từ sữa tươi từ khi được 9 tháng tuổi, mẹ lưu ý hãy thử dị ứng cho bé khi cho bé ăn sữa chua làm từ sữa tươi nhé. Với các bé trên 1 tuổi, bé có thể ăn 1 hộp sữa chua ít đường/ngày và ăn 2-3 hộp sữa chua không đường/ngày và có thể ăn hàng ngày. Mẹ không nên cho bé ăn sữa chua có nhiều đường và hương liệu, sẽ không tốt cho vị giác và hệ tiêu hóa của bé.
Bên canh việc ăn trực tiếp, thì mẹ có thể sử dụng sữa chua để trộn với rau thành món salad thơm ngon cho bé ăn. Mẹ có thể trộn sữa chua cùng trái cây hoặc xay sinh tố cũng rất ngon.
Phô mai
Phô mai được sản xuất bằng cách cho sữa tiếp xúc với sự lên men vi khuẩn đặc biệt hoặc xử lý với enzyme để làm đặc một số protein. Phô mai giàu canxi, kẽm, chất đạm, phốt pho và các loại vitamin tốt cho cơ thể khác.
Bé có thể ăn được phô mai làm từ sữa mẹ và sữa công thức hoặc phô mai trái cây (dành riêng cho trẻ ăn dặm) từ khi được 6 tháng tuổi, và ăn phô mai làm từ sữa tươi đã tách muối từ khi được 9 tháng tuổi, mẹ lưu ý hãy thử dị ứng cho bé khi cho bé ăn phô mai làm từ sữa tươi nhé. Sau khi bé được 1 tuổi, mẹ vẫn nên cho bé ăn phô mai đã tách muối và có thể ăn hàng với lượng là 50-100g/ngày. Lưu ý là phô mai thường có hàm lượng đạm cao, do đó, mẹ nên cho bé ăn phô mai vào buổi sáng, không nên cho ăn trước khi đi ngủ đêm, và với những bé hay bị đầy bụng, táo bón thì mẹ không nên cho ăn quá nhiều phô mai mẹ nhé.
Phô mai có nhiều loại như phô mai ăn trực tiếp, phô mai nấu cháo, nấu súp. Với các bé dưới 1 tuổi, mẹ thường nấu kèm phô mai với cháo, súp hoặc trộn kèm trái cây, làm sốt phô mai cho bé ăn. Với bé trên 1 tuổi, mẹ có thể cho bé ăn trực tiếp phô mai, cho vào các món ăn như súp, mỳ ý hoặc salad.
Bơ
Bơ là sản phẩm được chế biến từ chất béo của sữa, chứa 80 – 82% chất béo, được bảo quản ở nhiệt độ từ dưới 5 độ C và có thể kéo dài đến vài tháng nếu để ở nhiệt độ thấp hơn nữa.
Bé có thể ăn được bơ từ khi được 9 tháng tuổi, mẹ lưu ý hãy thử dị ứng cho bé khi cho bé ăn bơ nhé.
Mẹ chỉ nên cho bé ăn bơ động vật (tức là chế phẩm từ sữa), không nên cho bé ăn bơ thực vật (magarine). Mẹ có thể sử dụng bơ để làm các loại bánh cho bé, xào các món ăn, làm các món mỳ ý hoặc làm các món có sốt bơ tỏi để rưới lên cá hồi hoặc bánh mỳ hoặc trộn cơm.
Kem tươi
Kem tươi là lớp váng nổi trên bề mặt được tách ra từ sữa tươi nguyên chất.
Các bé trên một tuổi mới nên ăn kem tươi với một lượng nhỏ cho vào các món ăn và mẹ vẫn nên thử dị ứng cho bé khi mới tập ăn. Mẹ chỉ nên cho bé ăn kem tươi tối đa 2 lần/tuần và nên nấu cùng với các món ăn khác thay vì cho bé ăn trực tiếp vì kem tươi có hàm lượng chất béo cao, rất dễ gây đầy bụng.
Kem tươi có hai dạng, dạng lỏng sệt và dạng kem bông. Kem tươi dạng lỏng sệt được sử dụng để làm bánh, nấu súp, nấu các món mỳ Ý. Kem tươi dạng đánh bông thường được dùng để trang trí cho bánh ngọt, bánh cupcake và mẹ không nên cho bé ăn kem tươi ở dạng này, trừ những dịp đặc biệt.
Váng sữa
Váng sữa là phần trên cùng của sữa tươi sau khi đã qua công nghệ ly tâm và mang đi làm lạnh. Theo thống kê, cứ 200kg sữa tươi có thể sản xuất ra 2.5kg váng sữa.
Tuy váng sữa cung cấp năng lượng cao cho bé nhưng có hàm lượng dinh dưỡng rất thấp. Bên cạnh đó, các váng sữa dành cho trẻ em hiện nay khá ngọt và có chứa hương liệu, nên nếu cho trẻ ăn nhiều trẻ rất dễ bị béo phì, tiểu dường, hay bị bệnh tim mạch.
Trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn váng sữa. Trẻ trên một tuổi chỉ nên ăn 2 hộp váng sữa/tuần và mẹ cho bé ăn trực tiếp.
Tuy các chế phẩm từ sữa mang lại hàm lượng dinh dưỡng cao và lợi ích không nhỏ cho sự phát triển về thể chất của trẻ nhỏ, nhưng chúng ta cũng cần tìm hiểu kỹ về tác dụng của từng loại chế phẩm từ sữa đối với sức khỏe của bé, để giảm thiểu nguy cơ béo phì, dậy thì sớm,… ở trẻ nhỏ.
Mẹ Ong Bông
Có thể bạn quan tâm?
Thắc Mắc Thường Gặp Của Mẹ Bầu Về Covid-19
Thời Gian nCoV Tồn Tại Trên Các Bề Mặt
Dùng Nước Sát Khuẩn Rửa Tay Đúng Cách
Đeo Khẩu Trang Có Thực Sự Chống Được Virus Corona?
Tri Ân Khách Hàng Tháng 11/2021- Mừng Sinh Nhật Thứ 7 Shopconyeugiasi
KHÔ THOÁNG DIỆU KÌ – QUÀ TẶNG MÊ LI CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI BÍ ẨN THÁNG 3