Những Lo Lắng Mà Mẹ Thường Mắc Phải Khi Mang Thai

Việc chào đón một sinh linh bé nhỏ là niềm hạnh phúc vỡ òa của bố mẹ và những nhiều thân yêu. Bên cạnh đó, mẹ sẽ có vô số lo lắng về quãng đường vượt cạn của mình. 

Thực chất thì, những lo lắng của mẹ đôi khi là không cần thiết bởi bé yêu đã được bảo vệ rất an toàn trong bụng mẹ.

1. Lo sợ bé sẽ bị khiếm khuyết

Nỗi lo sợ này kéo dài khá thường trực, cho tới khi mẹ được tận mắt chứng kiến em bé lành lặn sau khi chào đời. Tất tần tật những ao ước con xinh đẹp, thông minh, học giỏi… đều nhường chỗ cho hiện thực là hình hài đầy đủ của một em bé. Chỉ cần như vậy là mẹ đã rơi nước mắt hạnh phúc rồi.

Liệu các mẹ có biết, chỉ có khoảng 4% nguy cơ bé bị khiếm khuyết kể cả hội chứng down hoặc hàng ngàn dị tật khác?

2. Sợ bị sẩy thai

Những tuần đầu tiên mang thai thường không được mẹ phát hiện ra. Sau đó, từ tuần 6-8 trở đi, nguy cơ sảy thai đã giảm xuống còn 5%. Vì vậy, mẹ không cần quá lo lắng vấn đề này vì hầu hết các bà mẹ đều sinh con khỏe mạnh.

3. Lo bé không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng

Mối lo này thường xuất phát từ các mẹ không tăng cân ở tam cá nguyệt đầu tiên. Thực tế, một số mẹ có thể bị giảm cân do các triệu chứng ốm nghén dữ dội. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng bé đang “còi cọc” vì chất dinh dưỡng vẫn được truyền từ mẹ đến bé. Đến những tháng cuối thai kỳ, mẹ sẽ… choáng vì tốc độ tăng cân quá nhanh đấy.

4. Một mối nguy hại nào đó có thể ảnh hưởng đến bé

Mẹ đã lỡ ăn một loại thực phẩm nào đó và rồi đọc được thông tin trên mạng rằng thực phẩm đó dễ gây sảy thai. Hoặc một cú ngã nhẹ có thể khiến mẹ nơm nớp lo sợ. Thực ra, không ai có thể tuân thủ hoàn toàn các hướng dẫn hay cảnh báo nhưng nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi là rất nhỏ. Hãy yên tâm vì con sẽ được bảo vệ chắc chắn trong túi nước ối và bụng mẹ.

5. Sợ rằng mình không biết chăm con

Trường hợp này xảy ra chủ yếu ở các bà mẹ mang thai lần đầu. Liệu mẹ có biết rằng, chăm con là bản năng của người phụ nữ và mẹ còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chồng, bà ngoại, người thân, bạn bè… Bên cạnh đó, việc tham gia các lớp học tiền sản và kiến thức trên mạng sẽ hỗ trợ mẹ không ít.

6. Nếu lỡ sinh non thì sao?

Với tiến bộ của y học ngày nay, nguy cơ từ các ca sinh non đã giảm xuống mức thấp nhất và mẹ hoàn toàn có thể trông cậy vào việc nuôi con lồng ấp. Để tránh sinh non, mẹ chỉ cần có một thai kỳ khỏe mạnh, tránh xa các chất kích thích độc hại và giữ tinh thần ổn định để không gặp cú sốc tâm lý.

7. Những chuyện xấu hổ khi đi sinh

Cơn đau đẻ khiến mẹ trở thành “con người khác”, bác sĩ đỡ đẻ là nam, dở khóc dở cười trên bàn sinh hay bất kỳ vấn đề nào khác có thể là mối bận tâm của mẹ. Nhưng khi bước lên bàn sinh rồi, mẹ chỉ còn chú ý vào việc đón em bé ra và chẳng còn nhớ nổi ngại ngùng hay xấu hổ gì đâu (thậm chí đau quá nên chẳng còn nghĩ được gì nữa).

Mỗi mẹ bầu đều có bí quyết riêng để có một thai kỳ thuận lợi. Thay vì lo lắng, mẹ nên tận hưởng quãng thời gian mang bầu vì được cùng con yêu trải nghiệm mỗi ngày.

Nguồn: Sưu tầm