Hướng Dẫn Theo Dõi Bé Sau Tiêm Ngừa Lao Và Viêm Gan B Sơ Sinh

Lao và viêm gan B là những mũi vắc xin tiêm chủng “đầu đời”của bé 24 giờ đầu sau sinh. Đây được coi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và rất cần thiết, tránh việc lây truyền vi-rút từ mẹ sang con. Mặc dù tất cả các trẻ sơ sinh đều được khám sàng lọc trước tiêm nhưng sau khi tiêm chủng các bà mẹ cần chú ý theo dõi để phát hiện các dấu hiệu bất thường của bé và báo cho nhân viên y tế kịp thời.

Xin mời quý đọc giả tham khảo bài viết dưới đây của ThS.Bs Nguyễn Thanh Tuyền – Trưởng khoa Sanh – Bệnh viện Nhân dân Gia Định để hiểu rõ hơn.

Phản ứng của bé sau tiêm vacxin là chuyện mà bất kỳ người mẹ nào cũng quan tâm. Vì sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn yếu nên khi tiêm bất cứ loại vắc – xin nào cũng có thể gặp phản ứng phụ như sốt, sưng đau, quấy khóc… Trong đó, sốt sau tiêm là phản ứng rất bình thường của cơ thể cho biết hệ miễn dịch của trẻ đang đáp ứng với vắc xin. Vì thế bố mẹ không nên quá lo lắng vì việc con sốt hay hay không sốt sau chích ngừa không quyết định hiệu quả của vắc xin.

Dưới đây là một số phản ứng thường gặp của bé sau khi tiêm chủng:

– Bé quấy khóc nhiều hơn bình thường

– Cảm giác bé bứt rứt, khó chịu

– Sốt nhẹ < 38,5oC

– Chỗ tiêm sưng

Sau khi tiêm ngừa cho trẻ, tuỳ cơ địa mà mỗi trẻ có những phản ứng khác nhau, thậm chí có bé chẳng có phản ứng đáng kể nào sau khi tiêm. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt trẻ có các phản ứng nặng, trầm trọng thường xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm. Phụ huynh lưu ý hãy báo ngay cho nhân viên y tế nếu bé xuất hiện các biểu hiện đột ngột có diễn tiến nhanh sau:

. Nổi ban, mày đay

– Sưng môi, phù mắt

– Khó thở, khò khè

– Bé có biểu hiện mệt lả, cơ tay chân mềm nhão so với bình thường, da xanh tái, hay tím

Bé được theo dõi tại nơi tiêm vắc xin trong vòng 30 phút, sau đó nếu không có gì bất thường bé sẽ được cho về và theo dõi tiếp tại nhà. Phụ huynh lưu ý một số vấn đề khi chăm sóc bé sau tiêm chủng tại nhà như sau:

– Tiếp tục theo dõi bé ít nhất 48h sau tiêm vắc xin

– Không đắp hoặc bôi bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm, khi bế bé chú ý không chạm vào vị trí tiêm chủng.

– Đối với vị trí tiêm ngừa lao thông thường khoảng 2 tuần đến 1 tháng, tại vết tiêm sẽ mưng mủ. Sau đó vài tuần sẽ tạo thành sẹo đường kính khoảng 5 mm.

Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất giúp con trẻ có hệ miễn dịch để sẵn sàng đương đầu và đẩy lùi những tác nhân gây bệnh. Phụ huynh lưu ý giữ gìn phiếu/ sổ tiêm chủng của trẻ để theo dõi và mang theo khi đưa con đi tiêm chủng hoặc khám bệnh. Bên cạnh đó phụ huynh cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của bé như đang ốm, sốt, đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vắc xin trong lần tiêm chủng trước và đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm chủng.

Nguồn: Bệnh viện Nhân Dân Gia Định